Nhiều phụ huynh đưa con tới Hệ thống tiêm chủng VNVC,ìsaocầntiêmđủmũivaccinebạiliệtchotrẻgiữa đại lộ đông tây cho biết vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục hết, khiến trẻ chưa được tiêm vaccine đúng lịch.
Anh Lê Văn Ân (34 tuổi) cho con trai 3 tháng tuổi tiêm mũi vaccine 5 trong 1 đầu tiên tại VNVC Gò Vấp (TP HCM). Người đàn ông cho biết khi con trai 2 tháng đã có lịch tiêm. Tuy nhiên, trạm y tế phường thông báo hết vaccine 5 trong 1 và vaccine bại liệt dạng uống. Mỗi tuần anh đều ra hỏi thăm tình hình vaccine nhưng vẫn trong tình trạng thiếu. Gia đình quyết định không đợi thêm, đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ.
"Cụ cố của bé trước đây từng mắc bệnh bại liệt, phải ngồi xe lăn. Dù đã qua ba thế hệ và kinh tế gia đình còn khó khăn, tôi vẫn lo lắng con trai mắc bệnh này nếu trì hoãn tiêm chủng. Vì vậy, tôi mua gói vaccine trả góp, chia thành nhiều lần trả nên cũng giảm nhẹ gánh nặng phần nào", anh Ân nói.
Còn chị Trần Thị Tú (35 tuổi) cho con trai 5 tháng tuổi đi tiêm vaccine 6 trong 1 và con gái 5 tuổi tiêm vaccine Tetraxim phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt.
Chị Tú cho biết con trai hai lần đầu được trạm y tế tiêm vaccine 5 trong 1 miễn phí nhưng đến lịch tiêm mũi thứ 3 thì hết vaccine. Con gái sắp vào lớp một nên cũng cần tiêm nhắc các loại vaccine. Vì vậy, chị đưa cả hai con cùng đến VNVC để tiêm đúng lịch, đủ sức khỏe đi học.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây liệt chi không hồi phục, liệt nửa người hoặc liệt tủy sống, suy hô hấp và tử vong... Trước khi Việt Nam tự sản xuất được vaccine bại liệt, căn bệnh gây gánh nặng rất lớn cho nền y tế với tỷ lệ mắc lên tới 126,44 trên 100.000 dân.
Từ năm 1985, vaccine này đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên cả nước sử dụng. Đến năm 2000, WHO công nhận Việt Nam đã thanh toán được bại liệt. Trong hàng chục năm qua, các chiến dịch uống vaccine bại liệt bổ sung đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn đang duy trì thành quả thanh toán bại liệt trong khi virus bại liệt tiếp tục lưu hành trên thế giới.
Theo bác sĩ Chính, việc vaccine tiếp tục khan hiếm có thể khiến nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine đúng lịch, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn. Trong khi đó, bệnh bại liệt chưa được thanh toán hoàn toàn trên thế giới, có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Hồi tháng 4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi văn bản đốc thúc tiêm vaccine IPV (vaccine bại liệt dạng tiêm) cho trẻ sinh năm 2021, 2022 tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương. Cơ quan này cho biết Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã cảnh báo và xếp loại Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.
Tại Việt Nam, trong năm 2021, 2022, do ảnh hưởng của Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương cũng tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên, dẫn tới tỷ lệ tiêm nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Trong đó, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV của năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%, năm 2022 đặt 70,1% và 89,2%, tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73%.
Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo tất cả trẻ em cần chủng ngừa vaccine đầy đủ, đúng lịch để được bảo vệ tốt nhất, tránh việc trì hoãn, chậm trễ hoặc bỏ tiêm vaccine. Nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm, miễn dịch cộng đồng sẽ không còn đủ sức bảo vệ những trẻ chưa tiêm, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại cao hơn.
Nhằm nâng cao nhận thức phòng ngừa bệnh, ngày 24/10 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng chống bại liệt. Năm nay, CDC Mỹ cùng Sáng kiến Xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) đã đưa ra lời kêu gọi Make Polio History (tạm dịch: Đưa bại liệt trở thành quá khứ) nhằm hướng tới một thế giới không có bệnh bại liệt và tôn vinh những đóng góp không mệt mỏi của những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến loại trừ bệnh bại liệt trên thế giới.
Tại Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng đang triển khai 2 loại vaccine bại liệt, bao gồm vaccine qua đường uống OPV và vaccine dạng tiêm IPV. Còn WHO đã khuyến cáo dần chuyển vaccine bại liệt từ liều uống sang liều tiêm.
Theo bác sĩ Chính, gia đình có thể chủ động tiêm chủng cho con các vaccine phối hợp trong tiêm chủng dịch vụ có thành phần bại liệt như: vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa, 6 trong 1 Hexaxim, vaccine 5 trong 1 Pentaxim, vaccine 4 trong 1 Tetraxim. Các vaccine an toàn và có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Trẻ cần tiêm nhắc các vaccine này khi 4 đến 6 tuổi do miễn dịch từ các mũi tiêm trước 2 tuổi giảm dần theo thời gian.
Nhật Linh